Họ Lã Việt Nam – nguồn gốc và đóng góp lich sử

Để hiểu đúng, hiểu rõ bản chất văn hóa tức diện mạo tinh thần của một dân tộc, một tộc người, theo chúng tôi, điều cần thiết phải làm là tìm hiểu để làm sáng tỏ một vấn đề cốt lõi: từ những điều kiện cụ thể nào của dân tộc mà trên cơ sở đó, nền văn hóa đã phát sinh, phát triển. Nói cách khác, phải tìm hiểu mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên mà họ đã và đang sinh sống, rồi từ đó, biểu hiện ra các giá trị văn hóa cụ thể ra sao.

Môi trường tự nhiên ấy là đất đai, rừng núi, sông biển, thế giới động-thực vật cùng các điều kiện khí hậu thời tiết đã từng tồn tại từ trước khi có loài người. Còn những biểu hiện cụ thể dưới cả hai dạng vật thể và phi vật thể, thì không gì khác hơn, đó chính là nếp sống nếp nghĩ cùng những phong tục tập quán – tín ngưỡng được hình thành và lặp đi lặp lại trong suốt tiến trình lịch sử.

Quá trình con người tác động lên đất đai, xử lý nguồn nước, thích ứng với các điều kiện khí hậu thời tiết và thuần dưỡng, thuần hóa thế giới động-thực vật xảy ra ở mọi nơi trên trái đất, có những điểm tương đồng nhưng đồng thời có cả những điều khác biệt, vì thế cuối cùng đã tạo nên các vùng, miền văn hóa với những nét đặc sắc khác nhau. Từ đấy mỗi dân tộc, tộc người đều có những bộ mã di truyền về văn hóa riêng của mình. Sự giao lưu tiếp xúc ảnh hưởng về văn hóa giữa các vùng miền, tộc người xảy ra như một lẽ tất yếu, bởi vì đó là kết quả của sự tiếp xúc trực tiếp giữa các con người của các vùng miền và các tộc người mang văn hóa khác nhau. Trong thời đại hội nhập quốc tế hiện nay, sự bình đẳng về văn hóa rất cần được xác lập trên cơ sở nền độc lập dân tộc, bởi vì đó là một trong những vấn đề nền tảng của sự phát triển và hội nhập.

Lâu nay, từ một số nhà nghiên cứu rồi sau đó lan truyền ra ngoài xã hội, một quan niệm cho rằng ở phương Đông văn hóa Trung Hoa mới là trung tâm, từ đó lan truyền, ảnh hưởng sang các nền văn hóa khác nhỏ hơn ở ngoại biên, mà Việt Nam cùng với Nhật Bản và Triều Tiên, đã là những nền văn hóa nhỏ như thế. Lại cũng có một quan niệm khác nữa, cho rằng Việt Nam nằm ở ngã ba của con đường giao lưu tiếp xúc giữa hai nền văn hóa lớn là Ấn Độ và Trung Hoa, do vậy đã chịu tác động và ảnh hưởng của cả hai, như một lẽ đương nhiên và tất yếu.

Chưa thấy ai lên tiếng tranh luận hay bác bỏ những quan niệm có tính chất hời hợt bề ngoài, nửa vời và tự hạ mình ấy, còn ở đây, chúng tôi chỉ xin có lời ngắn gọn: quan niệm như thế thì chẳng khác nào đã tự nhận mình là thuộc dân tộc đẻ muộn sinh sau, do vậy có chịu ảnh hưởng và bắt chước theo người ta cũng là một lẽ đương nhiên vậy.

Muốn hiểu rõ bản chất văn hóa dân tộc, như chúng tôi đã nói, điều cần thiết phải làm là tìm hiểu sự phát sinh, phát triển về văn hóa từ chính cái nôi của dân tộc. Các tài liệu dựa vào, do vậy, cũng phải từ chính các tài liệu của các thế hệ tiền nhân của dân tộc để lại. Còn tài liệu của nước ngoài, cùng lắm chỉ để tham khảo, đối chiếu thêm, chứ không phải để mặc nhiên tiếp nhận các quan niệm đã ẩn chứa ở trong các tài liệu đó.

Gần đây, các nhà khoa học thế giới đã lên tiếng khẳng định rằng: “Chính Đông Nam Á đã là một trong những cái nôi hình thành loài người” và “là địa bàn hình thành đầu tiên của đại chủng phương Nam”. Mà cái nôi ấy, địa bàn ấy, theo những bộ sách cổ của nước ta còn để lại, chính là đã nói tới bộ tộc Việt thường cùng cư dân Bách Việt với nơi phát tích đầu tiên là lưu vực sông Hồng và nền Văn minh lúa nước sông Hồng. Đó là quan niệm của chúng tôi khi đặt vấn đề tìm hiểu về Bản sắc văn hóa của người Việt. Chúng tôi cho rằng đó là những quan niệm nền tảng, để trên cơ sở đó mới có thể tìm hiểu, lý giải đúng về diện mạo tinh thần tức bản sắc văn hóa của một họ nào đó, mà ở đây là họ Lã của chúng ta. Không thể thấy cây mà lại bỏ quên rừng, và đó là điều tất yếu khi thực hiện việc nghiên cứu.

* * *

Như tiêu đề đã chỉ ra, công trình của chúng tôi gồm có hai phần:

Nguồn gốc họ Lã và Những đóng góp của họ Lã vào lịch sử dân tộc. Ở phần Nguồn gốc họ Lã, trước hết chúng tôi trình bày những đặc điểm của môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn để từ đó hình thành nên dân tộc Việt và nền văn minh lúa nước của người Việt, tiếp đó, chúng tôi trình bày về sự xuất hiện của các họ người Việt, trong đó có họ Lã của chúng ta. Có thể xác định một cách chắc chắn rằng: các họ của người Việt, trong đó có họ Lã, ngay từ thời dựng nước, đã từ cái nôi của nền văn minh lúa nước sông Hồng tiến lên khai phá vùng lưu vực sông Dương Tử và lưu vực sông Hoàng Hà, chứ không phải các họ của người Việt, trong đó có họ Lã, là con cái cháu chắt của người Hán sang cai trị ở thời Bắc thuộc đồng hóa với dân bản địa mà thành, như quan niệm lầm lẫn từ nhiều đời nay còn để lại.

Ở phần Những đóng góp của họ Lã vào lịch sử dân tộc, chúng tôi trình bày về thời cụ Lữ (hay Lã) Gia thời Hai Bà Trưng, tiếp đó là thời phong kiến tự chủ với các nhân vật tiêu biểu như sứ quân Lã Tá Đường thời 12 sứ quân, bà phu nhân họ Lã của Thái úy Tô Hiến Thành thời Lý, Tổng đốc Lã Xuân Oai thời Nguyễn. Nguồn tư liệu trong tay chúng tôi hiện mới chỉ có như vậy, nên trong công trình này cũng không thể nói được điều gì hơn, vì thế, mong được các quí vị am hiểu trong họ Lã bổ sung, trình bày, lý giải thêm về những nhân vật cùng những đóng góp khác nữa ở những lần tái bản sau.

Để trình bày được những điều xảy ra ở thời cụ Lữ Gia, thời Hai Bà Trưng, ngoài Đại Việt sử ký toàn thư và một vài bộ sử khác, chúng tôi còn phải dựa vào Bách Việt triệu tổ cổ lục, Cổ Lôi ngọc phả truyền thư, Phả họ Nguyễn của các vị Tộc trưởng họ Nguyễn ở vùng Tổng Sốm cũ. Đây là nguồn tư liệu cổ quí hiếm hiện vẫn còn giữ được, mà trải qua bao thăng trầm với sự truy lùng gắt gao của các thế lực thống trị ngoại bang vẫn không thể lấy được để mang về nước họ.

* * *

Trình bày lại sự xuất hiện cùng diện mạo tinh thần của họ Lã trong lịch sử dân tộc chắc chắn là một vấn đề lớn và khó, vì thế tuy rất cố gắng nhưng chúng tôi nhận thấy cũng không thể đáp ứng đầy đủ được nhu cầu tìm hiểu của các thành viên trong họ ở hiện tại cũng như tương lai. Quí vị trong họ hãy coi đây là bước khởi đầu, để từ đó tự mình có những tìm hiểu, nghiên cứu, đóng góp thêm hoặc có những kiến giải khác điều chỉnh lại những điều chúng tôi trình bày, ngõ hầu đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ có một công trình thật đầy đủ và khoa học về họ Lã kể từ khi xuất hiện cho đến thời hiện nay.

Về những đóng góp của họ Lã vào lịch sử dân tộc, trong công trình này, chúng tôi mới chỉ đề cập tới những nhân vật, sự kiện tiêu biểu xảy ra trong quá khứ. Còn ở thời hiện đại, với những đóng góp của người họ Lã vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc từ 1945 đến nay thì vẫn còn để ngỏ. Công trình này nếu có thể ra đời, thì các chi họ Lã tại tất cả các địa phương cần tiến hành việc điều tra, ghi chép lại đầy đủ các nhân vật, sự kiện rồi sau đó tập hợp để biên soạn thành một công trình chung. Khi đó, chúng ta sẽ có cái nhìn đầy đủ về các nhân vật tiêu biểu của họ Lã ở thời hiện đại giữ những trọng trách lớn, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng, liệt sĩ, cùng những doanh nhân, người sáng chế tiêu biểu v.v… là người họ Lã. Việc truy lập phả hệ, thế thứ của họ Lã tại các địa phương đương nhiên là một việc làm rất cần, thế nhưng trên địa bàn cả nước, cũng như nhiều dòng họ khác, thì đó lại là một việc dường như không thể nào thực hiện được. Vì thế, thay vì việc biết tất cả các phả hệ, thế thứ để từ đó truy ngược lên đến tận cùng, thì chúng ta hãy tạm bằng lòng với việc tìm ra được một vị Thủy tổ chung (ở vùng Tiên Lữ từ họ Nguyễn tách ra, cách ngày nay khoảng 5500 năm) rồi sau đó, là những vị họ Lã tiêu biểu đóng góp vào lịch sử dân tộc, để từ đó làm hành trang tinh thần trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Hy vọng công trình Họ Lã Việt Nam – nguồn gốc và những đóng góp lịch sử này, sẽ phần nào đáp ứng được điều đó.

Hà Nội, tháng 3 – 2009

TS. Lã Duy Lan

Xem chi tiết

Các tin bài khác